Cần thiết phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng
Tiết kiệm năng lượng xét về mặt tài nguyên, môi trường có nghĩa là gia tăng cơ hội cung cấp năng lượng từ tự nhiên, giảm bớt nguy cơ đe dọa về sự cạn kiệt của nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính – tác nhân chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu đó mà cụ thể ở đây là thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được thực hiện từ 2006 đến 2015 đặt mục tiêu tiết kiệm từ 3% đến 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ngày 2/10/2012, Chính phủ ra Quyết định số 1427/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015 với tổng nhu cầu vốn 930 tỷ đồng.
Trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng truyền thống và mối đe dọa của biến đổi khí hậu hiện nay, thế giới đang tìm những lối đi mới, tiến đến một nền kinh tế xanh, một nền kinh tế “năng lượng xanh”.
Tiết kiệm là nguyên lý, nguyên tắc hàng đầu của bất kỳ sự tăng trưởng, phát triển nói chung và tiêu dùng nói riêng, dù đó là tiêu dùng sản xuất hay tiêu dùng cá nhân. Tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng bởi nó (năng lượng) không chỉ là đầu vào trong tiêu dùng mà còn liên quan tới giới hạn về nguồn cung nguyên liệu để tạo ra năng lượng và đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay còn là giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính – tác nhân chính làm biến đổi khí hậu.
Điện năng mà con người hiện đang sử dụng được chia thành ba loại: nhiệt điện, thủy điện, và điện năng khác (điện nguyên tử, phong điện hay điện gió, địa nhiệt, …). Nhiệt điện được sản xuất ra chủ yếu là từ nguồn nguyên liệu thuộc loại không tái tạo với trữ lượng hữu hạn (than, dầu, khí); thủy điện được sản xuất ra chủ yếu là từ thế năng của nguồn nước và cũng là giới hạn.
Còn điện năng khác từ nguồn cung không hoặc ít có giới hạn (năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, nguyên tử, …) hiện chiếm tỷ lệ không nhiều (vài phần trăm trong cơ cấu điện năng của thế giới).
Điều đáng chú ý là trong sản xuất nhiệt điện và thủy điện đều có phát thải khí nhà kính trực tiếp (từ quá trình đốt cháy nhiên liệu) hay gián tiếp (phá rừng để xây nhà máy thủy điện có nghĩa là làm mất phần lưu trữ khí các bon của rừng) mà theo kết luận của các nhà khoa học quốc tế là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Do điện năng mà con người hiện đang và sẽ còn tiếp tục sử dụng trong nhiều năm nữa là nhiệt điện và thủy điện nên tiết kiệm điện năng cũng có nghĩa là giảm phát thải khí nhà kính.
Tiết kiệm năng lượng bao hàm không chỉ về lượng mà cả về chất, tức là về hiệu quả sử dụng năng lượng. Về kinh tế, như đã biết, mọi hoạt động của con người hiện đại đều cần tới năng lượng. Năng lượng là đầu vào của mọi hoạt động kinh tế.
Tiêu dùng năng lượng là một chỉ báo quốc gia quan trọng về tăng trưởng và phát triển kinh tế. Mức tiêu dùng năng lượng (tính trên GDP hay đầu người) là một thước đo quan trọng về hiệu quả sản xuất.
Thậm chí mức tiêu hao năng lượng của một sản phẩm tiêu dùng trở thành tiêu chí quan trọng hàng đầu về năng lực cạnh tranh của sản phẩm (thí dụ như ô tô, xe máy, máy tính, điện thoại di động, …). Tiết kiệm năng lượng xét về mặt kinh tế có nghĩa là tiết giảm tiêu dùng năng lượng để sản xuất (hay tiêu dùng) một đơn vị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ (hay công suất thiết bị).
Tiết kiệm năng lượng là giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm hàng hóa. Tiết kiệm điện năng cũng đồng thời đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững bởi vì, theo quan niệm chung, nền kinh tế xanh là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội.
Tiếp cận kinh tế xanh không thay thế cho phát triển bền vững mà là một cách thức thực hiện phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Về tài nguyên và môi trường, năng lượng cho cuộc sống hiện đại được sản xuất chủ yếu từ nguồn cung là tự nhiên và thuộc loại không tái tạo, có giới hạn với cảnh báo cao về nguy cơ đang dần cạn kiệt. Do vậy, tiết kiệm năng lượng xét về mặt tài nguyên, môi trường có nghĩa là gia tăng cơ hội cung cấp năng lượng từ tự nhiên, giảm bớt nguy cơ đe dọa về sự cạn kiệt và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này cũng gắn với đảm bảo an ninh năng lượng hiện được coi là một dạng an ninh mới có tên gọi là an ninh phi truyền thống và là một trong các mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia cả trong đối nội và cả trong đối ngoại, thậm chí còn là nguyên do quan trọng của không ít những tranh chấp lẫn hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh ấy thì đương nhiên tiết kiệm năng lượng là một giải pháp chiến lược trong đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngành năng lượng ứng phó với biến đổi khí hậu
Thách thức thiếu điện của Việt Nam là rất lớn và trước mắt sẽ dồn vào giai đoạn từ nay đến năm 2020. Câu hỏi đặt ra là: sẽ lấy gì để bù đắp vào nguồn năng lượng thiếu hụt mà trước hết là điện năng cho giai đoạn này? Câu trả lời khẳng định là không có cách nào khác, Việt Nam phải tích cực phát triển năng lượng tái tạo!
Trước tình trạng nguồn năng lượng truyền thống không tái tạo (thủy năng, dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá, năng lượng hạt nhân) ngày càng cạn kiệt, việc nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng tái tạo: gió, mặt trời, khí sinh học và sinh khối, địa nhiệt, thủy triều, sóng biển đang trở nên nhu cầu cấp bách của Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế thế giới.
Tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2050, theo đó Chính phủ khuyến khích việc phát triển và sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Cụ thể, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050 và tăng thị phần điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo như gió và sinh khối từ 3.5% tổng sản lượng điện sản xuất năm 2010 lên 4,5% năm 2020 và 6% năm 2030 theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 hay tổng sơ đồ điện VII.
Hiện nay ở nước có năm loại năng lượng tái tạo đã được khai thác để sản xuất điện gồm thuỷ điện nhỏ (1000 MW), sinh khối (152 MW), rác thải sinh hoạt (8 MW), mặt trời (3 MW) và gió (52 MW) với tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo trên mới chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ, khoảng 2% (tương đương 1,7 tỉ kWh) tổng nhu cầu điện năm 2011.
Để giải bài toán năng lượng phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế trong những năm tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định phương án đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… là phù hợp và hiệu quả. Điều này cũng đã được khẳng định trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam khi năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện (sản lượng điện từ năng lượng tái tạo năm 2020 vào khoảng 2.400MW).
Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm&Hiệu quả (có hiệu lực từ ngày 1/1/2011) phục vụ phát triển kinh tế – xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong đó hỗ trợ tài chính, giá năng lượng và các chính sách ưu đãi cần thiết khác để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đầu tư hợp lý cho công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngày 30/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2015 trong đó nêu rõ sử dụng có hiệu quả và hợp lý các dạng năng lượng trên cơ sở một hệ thống chính sách quản lý nhu cầu năng lượng; giảm các tác động môi trường của ngành năng lượng đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
NgayLuật Bảo vệ Môi trường 2005 (Điều 33) quy định Chính phủ xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tăng cường năng lượng quốc gia, đồng thời hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo, lồng ghép chương trình phát triển năng lượng tái tạo với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác. Luật cũng khuyến khích bằng cách hỗ trợ ưu đãi về thuế, vốn, đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thân thiện với môi trường cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào ngành.
Theo dự kiến kịch bản phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể khai thác 3.000 -5.000MW công suất với sản lượng hơn 10 tỷ kWh từ năng lượng tái tạo vào năm 2025. Nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý thì đây là một đóng góp lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện.
Nguồn : Môi trường.com.vn