Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông lại rộ lên thông tin, một số doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà kêu cứu vì các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạm ngưng thanh toán và “dọa” cắt hợp đồng. Chưa xét đến ai đúng ai sai, song qua vụ việc này, có lẽ cần phải nhìn nhận lại về điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.
Trên thực tế, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, các dự án lưới điện gặp khó khăn về thủ tục giải phóng mặt bằng, thì cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cần được hiểu theo hướng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Nghĩa là các hộ gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp…có thể tận dụng mái nhà để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm giảm bớt áp lực về điện cho ngành điện; tiết giảm chi phí tiền điện hàng tháng, góp phần giảm bảo vệ môi trường. Sau cùng, nếu nguồn điện thừa sẽ bán lại cho ngành điện.
Như vậy theo thứ tự ưu tiên, mục đích tiết kiệm điện phải đặt lên hàng đầu. Thế nhưng trong quá trình triển khai cơ chế của Chính phủ, dường như tất cả chủ đầu tư lại đặt mục tiêu bán điện lên hàng đầu. Điều này dẫn đến “phong trào” nhà nhà làm điện mặt trời mà không xét đến các yếu tố kỹ thuật, an toàn, lưới điện trung, hạ áp hay phân phối. Thậm chí nhiều người còn lợi dụng chính sách để trục lợi như việc lập trang trại chăn nuôi, lắp điện mặt trời để bán cho ngành điện với giá cao, thời gian lên tới 20 năm.
Chính “tư duy kinh doanh” đã dẫn đến những vướng mắc, tồn tại và cả những sai phạm mà trong công bố kết luận về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà được Bộ Công Thương thông tin vào tháng 3/2022 vừa qua.
Cũng chính vì tư duy kinh doanh, mà một doanh nghiệp tại Bình Dương đã bỏ hàng 100 tỷ đồng (trong đó phần lớn đi vay) để đầu tư điện mặt trời mái nhà trên mái nhà xưởng. Và hàng tháng trông chờ vào tiền bán điện của ngành điện trả nợ ngân hàng cho khoản vay này (theo lý giải của lãnh đạo doanh nghiệp). Và doanh nghiệp này cũng kỳ vọng sau khi thu hồi vốn sẽ được hưởng lợi khoảng 2 tỷ đồng mỗi tháng.
Có thể thấy, sự phụ thuộc này cộng thêm các yếu tố kỹ thuật, an toàn (như nhu cầu sử dụng điện thấp, cắt giảm công suất, ảnh hưởng thời tiết, lưới điện quá tải….) đã dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp.
Điện mặt trời mái nhà: Hiểu đúng để không làm sai (Ảnh minh hoạ) |
Tiếp tục hoàn thiện quy định
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2020 đã chứng kiến sự bứt phá của điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Việt Nam. Tính đến hết ngày 31/12/2020, hơn 100.000 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp.
Cú hích này là nhờ 2 Quyết định 11-13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Việc có thêm lượng điện mặt trời đáng kể chủ yếu tại phía Nam, đã góp phần giảm áp lực lớn cho ngành điện những năm vừa qua.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, do lĩnh vực điện mặt trời quá mới tại Việt Nam, chính sách lại ra đời trong lúc nhu cầu điện đang căng thẳng khiến hệ thống văn bản, các quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành chưa theo kịp (và thường chậm), đặc biệt là các văn bản về quy trình, kỹ thuật, an toàn, bảo vệ môi trường, kinh doanh….Đây là điều mà các Bộ ngành đang cố gắng hoàn thiện.
Trên thực tế, những tồn tại bất cập trong việc phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng đã được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn.
Cụ thể tại văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/2021 gửi Bộ Công Thương, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà.
Triển khai chỉ đạo này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 795/QĐ-BCT ngày 5/3/2021 về kiểm tra phát triển điện mặt trời và Văn bản số 1376/BCT-ĐL ngày 15/3/2021 về Kế hoạch kiểm tra phát triển điện mặt trời tại nhiều địa phương.
Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, rà soát, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ những tồn tại bất cập; kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Đề xuất hướng xử lý, khắc phục những tồn tại trong đó có vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục về kỹ thuật, an toàn…
Đối với những thủ tục, quy định liên quan đến lĩnh vực ngành Công Thương, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hướng dẫn.
Còn những quy định liên quan đến xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường… sẽ do các Bộ, ngành, địa phương xem xét giải quyết.
Kiểm tra công tác điện mặt trời mái nhà |
Liên quan đến những dự án điện mặt trời phía Nam do báo chí phản ánh, đại diện lãnh đạo EVN cũng khẳng định, những chủ đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục liên quan chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trên tổng số hàng chục nghìn dự án đang vận hành. Do đó, EVN đã có chỉ đạo các đơn vị điện lực địa phương làm việc với chủ đầu tư, có báo cáo và phối hợp cùng với các sở ban ngành tại địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quy định pháp luật, bổ sung thêm các thủ tục còn thiếu “càng sớm càng tốt”.
Thiết nghĩ, việc các dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định thì cần phải bổ sung, đảm bảo đúng quy định của pháp luật là điều cần thiết phải làm vì các dự án liên quan đến vận hành hệ thống, an ninh cung cấp điện. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng cần sớm có có giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Đơn cử như vấn đề hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chi tiết cụ thể; phân cấp, phân quyền rõ ràng để địa phương, doanh nghiệp, người dân có cơ sở thực hiện.
Nguồn:Báo Công Thương