Quảng Ngãi phát triển điện mặt trời áp mái

Tỉnh Quảng Ngãi đang khuyến khích các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời áp mái. Đây được xem là giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tiết kiệm chi phí tiền điện và hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Theo tính toán của Công ty Điện lực Quảng Ngãi, chi phí lắp đặt điện năng lượng áp mái khoảng 26 triệu đồng/kWp, mỗi hộ gia đình chỉ cần lắp đặt bình quân khoảng 3 – 4kWp, tương đương 80 – 100 triệu đồng. Sản lượng điện tạo ra gần 7.000kWh/năm, tiền điện tiết giảm được khoảng 21 triệu đồng/năm. Do đó, hộ gia đình lắp đặt điện năng lượng áp mái thì trong vòng 6 năm sẽ hoàn vốn.

Đối với doanh nghiệp, trụ sở cơ quan, nếu lắp đặt công suất lớn hơn thì giá thành thi công sẽ giảm, nhưng sản lượng điện tạo ra lớn hơn, số tiền điện tiết giảm sẽ lớn tương ứng và thời gian hoàn vốn rút ngắn chỉ còn khoảng 5 năm. Trong khi đó, tuổi thọ của điện năng lượng áp mái bình quân 25 năm.

Tính đến tháng 3/2019, Quảng Ngãi có 21 đơn vị, cá nhân sử dụng điện năng lượng áp mái, gồm 5 cơ quan, doanh nghiệp, trường học và 16 hộ gia đình. Tổng công suất gần 100kWp. Sản lượng điện sử dụng thừa, bán cho ngành điện khoảng 12.500kW, với giá bán 2.086 đồng/kW. Ngành điện Quảng Ngãi cũng đang xúc tiến thi công lắp đặt toàn bộ điện năng lượng áp mái tại 11 trụ sở điện lực các huyện, thành phố và trụ sở Công ty Điện lực Quảng Ngãi.

Việc triển khai hệ thống điện năng lượng áp mái đang được ngành điện khuyến khích phát triển, tận dụng diện tích mái tại các khu dân cư có cơ sở hạ tầng điện lưới đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối vào lưới điện và phát huy tối đa hiệu quả của tấm pin năng lượng.

Nếu người dân mạnh dạn đầu tư sẽ giảm gánh nặng đầu tư thêm những nhà máy điện mới, nhưng vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đối với các hộ gia đình, mỗi tháng dùng 300 – 400kWh, việc đầu tư điện áp mái là một giải pháp thông minh, tiết kiệm lâu dài.

Theo đại diện Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết, năm 2019, công ty có kế hoạch phát triển điện năng lượng áp mái với công suất 2MWp, tương đương với lắp đặt cho khoảng 600 – 650 hộ dân sử dụng. Ngành điện đang kiến nghị với tỉnh về việc chỉ đạo các công trình, trụ sở thực hiện bằng vốn ngân sách cần ưu tiên đầu tư hệ thống điện năng lượng áp mái.

Nguồn : Tạp chí năng lượng Việt Nam

 

Tin Liên Quan