Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam

Ngày 27/2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” tại Hà Nội với sự tham gia dự của đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và đại diện lãnh đạo các ngân hàng, nhà đầu tư, cơ quan tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích từ năng lượng sạch hàng đầu tại Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế năng lượng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Đặc biệt dự báo năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước. Vì vậy, EVN mong muốn có sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc đầu tư phát triển các dự án nguồn điện, trong đó có các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là lý do chính để EVN tổ chức hội thảo này.

Trên thực tế, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, hai năm qua đã có 365 dự án điện mặt trời tập trung với công suất 29000 MW được đăng ký đầu tư, trong đó 141 dự án được bổ sung vào quy hoạch. Và đã có 95 dự án với công suất đặt 6.100 MWp đã được EVN ký hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên việc phát triển nhanh các dự án với quy mô tập trung ở một số địa phương, chủ yếu là miền Trung, trong khi nhu cầu tiêu thụ ít đã gây ra khó khăn cho hệ thống lưới điện truyền tải. Mặc dù EVN đã nỗ lực đầu tư dự án đường dây nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vì thời gian thủ tục kéo dài khoảng từ 3 – 4 năm, còn thời gian xây dựng dự án điện mặt trời chỉ khoảng 1 năm. Điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư vì khó có thể giải tỏa hết công suất phát.

Với tiềm năng điện mặt trời rất lớn, EVN nhận thấy có thể áp dụng điện mặt trời áp mái vì có nhiều lợi ích to lớn. Điện mặt trời áp mái có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế, giá thành đầu tư ngày càng thấp và cạnh tranh. Quy trình lắp đặt nhanh gọn…

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiên phong triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tính đến cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt được 54 công trình với tổng công suất 3,2 MWp. Đối với khách hàng (công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…), các Tổng công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp.

Theo ông Nhân, dù đã có định hướng, cơ chế hỗ trợ của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương song 2 năm qua mới có 1800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với khoảng 30 MW, quá nhỏ so với tiềm năng. Nguyên nhân được chỉ ra là vướng mắc quy định thanh toán của khách hàng bán trên lưới điện, thuế, khả năng tài chính ban đầu của hộ gia đình…

Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” là một trong những hoạt động quan trọng của EVN trong lĩnh vực kinh doanh, nhằm phổ biến, triển khai tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng; trao đổi, chia sẻ, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, giải pháp phát triển điện mặt trời áp mái dành cho mọi đối tượng khách hàng từ cơ quan, công sở của nhà nước tới các khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình.

Tại hội thảo, 15 tham luận và 2 thảo luận được trình bày, tập trung vào các vấn đề chính như: cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam; chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển điện mặt trời áp mái, mô hình kinh doanh tại Việt Nam; các quy định về hợp đồng mua bán điện, tiêu chuẩn kỹ thuật thỏa thuận đấu nối…

EVN cũng cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, việc ký hợp đồng mua bán, đấu nối, thanh toán nhanh chóng dễ dàng. Chuẩn bị tất cả thiết bị nguồn lực (công tơ 2 chiều), truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về điện mặt trời áp mái.

Thông qua hội thảo, EVN cũng đề xuất một số kiến nghị để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về bức xạ mặt trời. Đó là: (1) Kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư. (2) Kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16 để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng sau ngày 30/6/2019. (3) Kiến nghị các nhà tài trợ, ngân hàng, nhà đầu tư, sản xuất, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái…

Nguồn : Năng lượng sạch Việt Nam

 

Tin Liên Quan